Các vị cơ bản Vị chua

Trong một thời gian dài, người ta cho rằng có một số hữu hạn và nhỏ các "vị cơ bản". Cũng như với các màu cơ bản, các "vị cơ bản" có nguồn gốc chủ yếu từ bản thân nhận thức của con người, trong trường hợp này là các vị khác nhau của lưỡi con người có thể xác định. Đến những năm 2000, số lượng các "vị cơ bản" được coi là bốn. Gần đây, một vị thứ năm, umami, đã được đề xuất bởi nhiều cơ quan liên quan đến lĩnh vực này.[12] Năm 2015, vị béo cũng được công nhận là "vị cơ bản" thứ sáu[13]

Vị đắng

Vị đắng là vị nhạy cảm nhất trong các vị, và là cảm nhận của nhiều cảm giác khá khó chịu và rõ rệt. Thực phẩm và đồ uống đắng thường là cà phê, ca cao không thêm đường, mướp đắng, bia, quả ô liu, vỏ chanh, nhiều loài thực vật trong họ Cải và chanh. Kinin (quinin hay ký ninh) cũng nổi tiếng với vị đắng của nó. Các ngưỡng kích thích vị đắng của quinin trung bình là 0,000008 mol/l.[14] Ngưỡng cảm nhận vị của các hợp chất đắng khác được so sánh tương đối với quinin (độ đắng của quinin coi bằng 1).[14][15] Ví dụ, Brucine có chỉ số là 11, đắng hơn nhiều so với quinin, và được phát hiện tại một ngưỡng thấp hơn nhiều.[14] Các hợp chất đắng nhất được biết đến là hóa chất tổng hợp denatonium với chỉ số đắng là 1.000.[15]

Vị mặn

Vị mặn được tạo nên chủ yếu bởi sự hiện diện của các ion natri. Các ion khác của nhóm kim loại kiềm cũng có vị mặn, nhưng ít cảm giác được bằng natri. Kích thước của các ion lithi và ion kali gần tương tự như của natri và do đó vị mặn cũng gần giống nhau. Ngược lại các ion rubidicaesi lớn hơn rất nhiều vì vậy mùi vị mặn của chúng cũng khác. Độ mặn của các chất được đánh giá tương đối so với natri chloride (NaCl) (độ mặn của NaCl coi bằng 1).[14][15] Như kali chloride (KCl), là thành phần chủ yếu trong sản phẩm thay thế muối có chỉ số mặn là 0,6.[14][15]

Các cation hóa trị một như amoni (NH4+) và các cation hóa trị hai của nhóm kim loại kiềm thổ như calci (Ca2+) thường gợi đến vị đắng hơn là vị mặn.

Vị chua

Vị chua là vị cảm nhận được từ tính axit. Độ chua của các chất được đánh giá tương đối theo axit hydrochloric loãng (độ chua bằng 1). Axit tartaric có độ chua 0,7, axit citric là 0,46 và axit cacbonic là 0,06.[14][15] Cơ chế phát hiện vị chua tương tự như phát hiện vị mặn, dựa trên nồng độ ion hydrôni hình thành nên các axit và nước.

Vị ngọt

Vị ngọt, thường được coi như là một cảm giác tích cực, cảm nhận được từ các loại đường, một số protein và một số hợp chất khác. Vị ngọt thường liên quan tới aldehydeketon, có chứa một nhóm cacbonyl. Vị ngọt được phát hiện bởi một loạt các protein G kết thụ cùng với gustducin protein G được tìm thấy trên các chồi vị giác. Ít nhất hai biến thể khác nhau của "thụ thể vị ngọt" cần phải được kích hoạt cho não bộ để "đăng ký" vị ngọt.

Ngưỡng phát hiện đối với các chất ngọt được đánh giá tương đối so với saccaroza.[14][15] Ngưỡng phát hiện trung bình của con người đối với saccaroza là 10 millimol/lít. Đối với lactoza ngưỡng phát hiện là 30 millimol/lít, và chỉ số vị ngọt là 0,3[14] và 5-Nitro-2-propoxyanilin là 0,002 millimol/lít.

Vị umami

Bài chi tiết: Umami

Umami là tên cho cảm giác vị tạo nên từ các amino acid như glutamat. Các hợp chất tạo ra vị umami thường có trong thực phẩm lên men và thực phẩm ủ tàng trữ. Nó cũng được mô tả như là "vị thịt", hay một vị "phong phú". Umami được xem là một mùi vị cơ bản trong ẩm thực của người Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng không được quan tâm nhiều trong ẩm thực phương Tây, ít nhất là trước khi có khái niệm về umami ở phương Tây.

Con người có cảm thụ vị đặc biệt khi phát hiện của các amino acid, ví dụ, axit glutamic. amino acid là những cấu trúc từ các protein và có trong thịt, pho mát, cá và các thực phẩm giàu protein khác. Ví dụ về các thực phẩm có chứa glutamat (và do đó có vị umami mạnh) là thịt bò, thịt cừu, pho mát, nước tương và nước mắm. Glutamat cho cảm giác vị mạnh nhất khi kết hợp với ion natri có trong muối ăn. Các loại nước sốt và nước chấm thường có cả vị mặn và vị umami.

Vị béo[13]

Một thụ thể hóa học gọi là CD36 trên các nụ vị giác ở lưỡi cho phép con người nhận ra các phân tử chất béo và độ nhạy của lưỡi về chất béo thay đổi theo từng cá nhân.

Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí nghiên cứu Lipid, có đến 20% số người được cho là có biến thể của gen CD36, dẫn đến việc sản xuất ít thụ thể CD36 hơn, do đó họ ít cảm nhận thấy vị béo trong thức ăn. Điều này cũng có nghĩa là họ có khuynh hướng dễ béo phì hơn. Phát hiện giúp lý giải tại sao một số người có thể ăn những thực phẩm béo hơn. Đó là bởi vì họ ít nhận ra vị béo trong thực phẩm khi ăn chúng.

Kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo sẽ dẫn đến quá trình sản xuất ít CD36 và khiến có thể ít nhận thấy vị béo.